Phát triển bền vững (sustainable development) là một khái niệm lý luận đang từng bước gây ảnh hưởng và làm thay đổi chính sách phát triển kinh tế. Vậy bạn đã hiểu về phát triển đô thị bền vững và tình trạng phát triển đô thị ở Việt Nam chưa? Tham khảo ngay bài viết dưới đây của A&More để nhận được thông tin hữu ích nhất.
Mục Lục Nội Dung
1. Phát triển bền vững được hiểu như thế nào?
Phát triển bền vững (sustainable development) là một khái niệm lý luận đang từng bước gây ảnh hưởng và làm thay đổi chính sách phát triển kinh tế. Phát triển bền vững có nghĩa là: “Một sự phát triển vừa có thể thích hợp với thời đại ngày nay, vừa không ảnh hưởng tới việc thỏa mãn của con cháu đời sau”, đó là định nghĩa do ủy ban Brundtland nêu ra năm 1987.
Cho tới nay, khái niệm phát triển bền vững đã xuất hiện ngày càng nhiều, song theo nhà khoa học người Mỹ B.A Wilcox: “Cũng như nhận thức về nhiều vấn đề chính trị, tôn giáo quan trọng, nhận thức của mỗi người về phát triển bền vững đang tồn tại những bất đồng khá lớn”.
Thực vậy, phát triển bền vững hoàn toàn không phải là một khái niệm nêu ra khi đơn thuần đứng dưới góc độ môi trường, phát triển kinh tế mới là chủ đề nội dung của nó, hơn nữa phát triển kinh tế mà nó chỉ ra có ý nghĩa toàn diện về không gian và thời gian, xã hội và tự nhiên, đạo đức và luân lý,… khác biệt về căn bản nếu chỉ theo con số thống kê phiến diện.
Do vậy, phát triển bền vững là một quá trình dàn xếp, thỏa hiệp các hệ thống kinh tế, tự nhiên và xã hội. Tức phát triển bền vững phải đảm bảo 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa với nhau (H.Barton, International institute for environment and development – IIED).
Phát triển bền vững là kết quả hợp nhất giữa kinh tế – xã hội và môi trường để tìm ra vùng chung hay tiếng nói chung đảm bảo tính bền vững.
>>>> XEM THÊM: Cập nhật thực trạng quy hoạch đô thị ở Việt Nam chi tiết
2. Tìm hiểu phát triển đô thị bền vững
Trên cơ sở nguyên lý phát triển bền vững, với đặc thù của đô thị thì khái niệm phát triển đô thị bền vững dựa trên nguyên tắc hợp nhất: Kinh tế đô thị; xã hội đô thị; môi trường sinh thái đô thị; cơ sở hạ tầng đô thị; không gian đô thị (chứa đựng yêu cầu không gian của các thành phần trên trừ thành phần mềm); quản lý đô thị (thành phần mềm) để tìm ra vùng chung hay tiếng nói chung đảm bảo yêu cầu: công bằng, sống tốt và tính bền vững.
Dựa trên mối quan hệ hữu cơ mật thiết giữa các thành phần nêu trên trong vùng chung để xác định các tiêu chí phát triển đô thị bền vững có liên quan. Như vậy có thể thấy mối quan hệ giữa các tiêu chí phát triển đô thị bền vững là một thể thống nhất chặt chẽ, hữu cơ với nhau. Thiếu một trong các nhóm tiêu chí cũng như những tiêu chí trong các nhóm tiêu chí đều có thể dẫn đến đô thị sẽ không phát triển lành mạnh và càng không thể phát triển đô thị bền vững.
3. Phát triển không gian đô thị và bảo vệ môi trường
Phát triển kinh tế – xã hội và cơ sở hạ tầng đều có nhu cầu về không gian đô thị. Phát triển không gian đô thị là lấy không gian làm vật để chuyên chở. Thực chất của việc mở rộng không gian đô thị là phá hoại hình thái cơ cấu vốn có của hệ sinh thái đô thị, chỉ có mức độ nhiều hay ít mà thôi.
Có một nguyên tắc cần được xác định rõ chính là cần nhìn nhận vấn đề môi trường và phát triền bằng tư tưởng biện chứng và toàn diện hơn nữa, đưa phát triển bền vững vào quỹ đạo có kế hoạch, mở rộng không gian đô thị một cách có kế hoạch, đánh giá tích cực và chủ động về ảnh hưởng của môi trường.
Mở rộng không gian đô thị một cách vô độ sẽ đụng chạm đến vấn đề khác, đó là vấn đề lý luận đạo đức trong phát triển và sử dụng tài nguyên môi trường. Việc sử dụng tài nguyên trong cùng một thế hệ và giữa các thế hệ phải đạt được sự phát triển có cùng chung lợi ích. Một số người chiếm đoạt tài nguyên có nghĩa là làm tổn hại và xâm chiếm lợi ích của những người khác.
Để đạt được sự phồn vinh chung, lâu dài vĩnh cửu, việc phát triển và sử dụng tài nguyên phải tuân thủ một quy tắc ước định nào đó. Nhưng trong thực tế, phát triển toàn thế giới hiện nay chưa có được quy ước này. Song đối với một thành phố, trong môi trường đặc biệt, điều này chỉ có ý nghĩa khi các thế hệ khác nhau đều tuân thủ một quy tắc.
4. Phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam
4.1 Tình trạng phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ của các thành phố cũng tạo ra nhiều vấn nạn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị trong tương lai như:
- Quy hoạch đô thị thường lệch pha với phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường nên thường dẫn đến “quy hoạch treo”. Vì nước ta chưa sử dụng phương pháp quy hoạch chiến lược hợp nhất để hài hòa giữa các bản quy hoạch nêu trên, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.
- Quan hệ giữa đô thị với vùng và nhiều mối quan hệ khác không được giải quyết thỏa đáng.
- Thiếu tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững.
- Mô hình cấu trúc đô thị kém linh hoạt nên không thích ứng với quá trình chuyển đổi.
- Chưa quan tâm thích đáng đến việc xây dựng môi trường cư trú của con người (nhà ở).
- Xây dựng kết cấu hạ tầng không đồng bộ, không đạt chuẩn và không phù hợp với các nguồn lực, thường kẹt xe gây ách tắc giao thông.
- Quản lý Nhà nước về đô thị thiếu chủ động nhất là quản lý thực hiện quy hoạch.
- Thiếu hệ thống quan trắc, dự báo phòng ngừa các biến đổi khí hậu, thiên tai và sự cố công nghệ có thể xảy ra.
>>>> ĐỪNG BỎ LỠ: Quy hoạch Hạ Long
4.2 Định hướng phát triển đô thị bền vững hướng đến mục tiêu kinh tế cạnh tranh và hiện đại
Ứng dụng phương pháp quy hoạch chiến lược phát triển đô thị bền vững hợp nhất phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: “Về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) số 153/2004/QĐ/TTg ngày 17/8/2004.
Để xác định được các tiêu chí phát triển đô thị bền vững mỗi thành phố cần có một tổ chức đứng ra làm đầu mối hợp nhất các bản quy hoạch: kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng đô thị và không gian đô thị (theo phương pháp quy hoạch chiến lược hợp nhất) để tìm ra các chiến lược phát triển trong một khu vực chung hay tiếng nói chung để đảm bảo yêu cầu công bằng, sống tốt và tính bền vững. Đồng thời, phải căn cứ vào các chiến lược này để xác định 5 tiêu chí phát triển đô thị bền vững của thành phố như đã nêu trên hoặc theo 4 tiêu chí phát triển đô thị bền vững do W.B đề ra là: Kinh tế cạnh tranh, sống tốt, Quản lý nhà nước tốt và Ngân hàng tài chính lành mạnh.
Và định hướng phát triển đô thị bền vững hướng đến mục tiêu cạnh tranh và hiện đại tại Việt Nam:
1. Quy hoạch cần mang tính chiến lược thay vì toàn diện, linh hoạt thay vì cứng nhắc, mang tính hành động thay vì lý thuyết, tập trung vào quy trình thay vì sản phẩm, mang tính dài hạn thay vì nhiệm kỳ, tính đến toàn cầu hóa thay vì chỉ địa phương, hợp nhất liên ngành thay vì “mạnh ai nấy làm”…
2. Quy hoạch có sự tham gia rộng rãi của công chúng và các bên liên quan thay vì ý chí chính trị và quan điểm chuyên gia thuần túy.
3. Kiến tạo hình thức đô thị mới theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường tài nguyên và nâng cao chất lượng không gian sống.
4. Xác định đúng vị trí của đô thị trong mối quan hệ hài hòa với:
- Đô thị – vùng (mở rộng lĩnh vực không gian trong đô thị).
- Đô thị – tự nhiên (hình thái không gian theo điều kiện tự nhiên).
- Đô thị – nông thôn (chú ý tình trạng phát triển tự phát vùng ven đô).
- Quá khứ – hiện tại – tương lai (mở rộng lĩnh vực thời gian).
- Hiện đại và bản sắc tạo nên sự hấp dẫn (so với quy hoạch hiện đại, quy hoạch chức năng cứng nhắc thiếu linh hoạt, quy hoạch đô thị hậu hiện đại chức năng linh hoạt, hợp lý, lại có tính đa phương và có thể bao gồm nhiều loại, từ không gian lịch sử, không gian trí tuệ, không gian tinh thần, không gian nghệ thuật và không gian văn hóa đến không gian tự nhiên).
- Kinh tế – thương mại (xanh, cạnh tranh), xã hội (hài hòa, sống tốt), khoa học kỹ thuật (tiên tiến) và môi trường (lành mạnh).
5. Chọn mô hình phát triển đô thị bền vững phù hợp: tập trung hoặc phân tán hoặc kết hợp tập trung với phân tán; một trung tâm hoặc đa trung tâm .
6. Xây dựng tốt môi trường cư trú của con người (đi đôi với công bằng xã hội còn có công bằng về không gian và công bằng về môi trường).
7. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và lành mạnh, giao thông thông suốt.
8. Quản lý đô thị tốt (trong đó quản lý thực hiện quy hoạch là yếu tố hàng đầu).
9. Xây dựng thiết chế quan trắc, dự báo, phòng ngừa và ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu, thiên tai và sự cố công nghệ có thể xảy ra.
4.3 Chiến lược phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam
Để phát triển đô thị bền vững ở nước ta, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM…, trước tiên cần phải xác định các tiêu chí phát triển đô thị bền vững để thực hiện.
4.3.1 Phát triển đô thị bền vững tại Hà Nội
Ở Thủ đô Hà Nội, quy hoạch tổng thể Hà Nội mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu phát triển là: “Thành phố Xanh, Văn hiến, Văn minh – Hiện đại.” Đó là phương châm hợp lý để phát triển Thủ đô Hà Nội bền vững. Chiến lược tạo hình ảnh riêng về Hà Nội thông qua hình ảnh mặt nước, cây xanh và văn hóa cũng là một thành phần của phát triển bền vững.
Chiến lược xây dựng 5 đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên) và 3 đô thị sinh thái (Quốc Oai, Chúc Sơn và Phúc Thọ) nằm giữa các sông với các dòng chảy quanh co uốn khúc, theo mô hình phát triển phân tán, tạo thành chùm đô thị có khả năng kết hợp khai thác các ưu điểm của lối sống thành thị và nông thôn, hướng tới hình thành một đô thị sinh thái.
Chiến lược về không gian xanh, được hình thành trên ý tưởng không gian xanh sông Đáy, sông Tích, sông Hồng, sông Nhuệ, đầm Vân Trì, sông Cà lồ, Nam Linh Đàm… trong đó, có vùng đệm xanh tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam sông Hồng giữa vành đai 3 và 4. Trong không gian xanh, tổ chức các công viên vui chơi giải trí cấp quốc gia, cấp vùng với các loại hình công viên lịch sử, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, công viên cây xanh tự nhiên, công viên cây xanh chuyên đề, kết hợp với các hồ điều hòa cây xanh bảo tồn thiên nhiên… cũng là một thành phần đảm bảo cho phát triển đô thị bền vững.
Rõ ràng, quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đáp ứng tiêu chí của phát triển đô thị bền vững về cơ bản.
Tuy nhiên, khu vực mở rộng thuộc tỉnh Hà Tây và 4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình còn rất nhiều thách thức, không thể giải quyết một sớm một chiều. Đó là việc chuyển hóa từ khu vực nông nghiệp sang khu vực có chức năng đô thị, là các điểm dân cư nông thôn sang mô hình dân cư mới, là đất đai canh tác nông nghiệp sang không gian xanh, là khai thác hệ thống sông ngòi vào không gian mặt nước trong đô thị. Đây sẽ là những hạn chế khó khăn, có nguy cơ làm Thủ đô Hà Nội không thỏa mãn các tiêu chí về phát triển đô thị bền vững nếu không sớm khắc phục.
4.3.2 Phát triển đô thị bền vững tại TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh có cấu trúc mất cân đối hiếm thấy trên thế giới khi có đến hơn 90% cư dân tập trung tại khu vực đô thị hóa với một diện tích khoảng 7% diện tích toàn thành phố, trong khi khu vực phía Nam thành phố rất dồi dào môi trường tự nhiên ở mức lý tưởng. Cùng với những nỗ lực để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, việc quan trọng phải làm là tạo lập tầm nhìn về một thành phố phát triển bền vững, chú trọng đến công tác bảo tồn và khôi phục môi trường tự nhiên cũng như đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân.
Hơn 90% cư dân tập trung tại khu vực đô thị hóa chỉ với diện tích 7% toàn thành phố sẽ tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (Urban Heat-lsland effect – UHI) đáng kể. Để giải quyết hiệu ứng của đảo nhiệt đô thị, trước tiên là phải gia tăng mảng xanh tối đa.
Quy hoạch xây dựng thành phố tới năm 2025 đã đề ra nguyên tắc chung về tổ chức công viên cây xanh là đưa diện tích xanh thành phố lên tới 15m2/người để trở thành thành phố xanh, trong đó khu vực nội thành sẽ tổ chức cây xanh đặc biệt 10m2/người gồm lâm viên rừng phòng hộ, kết hợp với khu vui chơi giải trí cuối tuần. Khu vực ngoại thành cũng đã hình thành thảm cây xanh lớn kết hợp với du lịch giải trí cuối tuần như rừng tràm, đước Cần Giờ với diện tích khoảng 25.000 ha đã được hồi sinh từ năm 1998 và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển. Việt Nam trở thành một trong 19 nước trên thế giới có khu dự trữ sinh quyển, đó chính là lá phổi của TP. Hồ Chí Minh cần được bảo vệ.
Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ “Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch giải trí dọc hai bên Sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè có diện tích khỏang 7000 ha” tương tự như Amsterdam (Hà Lan), sông Seine Paris (Pháp), sông Vlatava (Praha – Séc), sông Hàn Seoul (Hàn Quốc), sông Neva st Peterbourg (Nga)… kết hợp cây xanh với mặt nước.
Tiếp đến, thành phố nên có một cấu trúc đô thị có thể làm giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế hiệu ứng của đảo nhiệt đô thị, nâng cao chất lượng khí lưu thông. Đó là mô hình thành phố đa trung tâm bao gồm các trung tâm hiện hữu: quận 1, quận 3, trung tâm mới Thủ Thiêm, 1 phần quận Bình Thạnh, quận 4 và Phú Mỹ Hưng. Các trung tâm khu vực bao gồm: Khu đô thị Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà bè), Tân Kiên – Tân Tạo (huyện Bình Chánh), Khu công nghệ cao (Q9) và khu đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ
TP. Hồ Chí Minh cũng đang trong tình trạng khủng hoảng sinh thái do dân số tăng nhanh (10 triệu dân vào năm 2025), ô nhiễm nước mặt và không khí. Để đối phó với khủng hoảng sinh thái trong giai đoạn biến đổi khí hậu, thành phố đã đề ra nhiều chương trình như: thoát nước đô thị, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm không khí và quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, nếu thành phố trong quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh mà phát triển không gian quá mức theo kiểu lan tỏa liên tục ra vùng ven đô nhất là phát triển tự phát thì có khả năng môi trường có thể không chịu đựng được, do vậy cần xác định ranh giới tăng trưởng đô thị từng thời kỳ để quản lý.
Trong quá trình đô thị hóa Sài gòn – TP. Hồ Chí Minh, đã có 3 lần đô thị hóa lan tỏa “bị động” ra vùng ven: lần thứ nhất (1985-1992) các quận ven nội (Q8, Q Bình Thạnh, Q.Tân Bình, Q.Gò vấp) từ trước năm 1975 đã trở thành nội đô, lần thứ 2 (1992-1997) hình thành 5 quận mới (Q.Thủ Đức, Q2, Q7, Q9, Q12), lần thứ 3(1997-2003) hình thành Quận Bình Tân do phát triển tự phát tại huyện Bình Chánh. Do vậy, thành phố đang đứng trước nhiều thách thức như dân số gia tăng, người nghèo tăng, ô nhiễm môi trường và chính sách cơ chế quản lý nhiều bất cập.
Dự án quốc gia “ Nâng cao năng lực quy hoạch và quản lý đô thị TP. Hồ Chí Minh” do UNDP tài trợ 3 năm 1996-1998 đã đề xuất phương pháp Quy hoạch chiến lược hợp nhất hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phương pháp Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng, đã được UBND TP chấp thuận song vẫn chưa được đưa vào thực hiện. Tuy nhiên việc thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung các nhà quy hoạch kinh tế, xã hội và không gian, là một bước tiến quan trọng để hợp nhất kinh tế , xã hội, môi trường và không gian hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của thế kỷ XXI và cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu hóa.
Để đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững, rõ ràng TP. Hồ Chí Minh còn phải trải qua nhiều thách thức.
Trên là các thông tin về phát triển đô thị bền vững, hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn được những thông tin chi tiết nhất. Nếu muốn giải đáp thêm thắc mắc hoặc muốn nhận thêm thông tin hữu ích, vui lòng liên hệ:
- Website: https://amore-architecture.vn/
- Địa chỉ trụ sở chính: Số 29 Ngõ 79 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
- Địa chỉ văn phòng: Tầng 3 Tòa nhà 34 ngõ 28B Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội
- Nhà máy sản xuất đồ gỗ: 138 Đức Giang, Long Biên, Hà Nội
- Giấy phép kinh doanh số: 0104561190 | Cấp ngày: 06/04/2010 bởi Sở Kế Hoạch và Đầu Tư TP. Hà Nội
- Hotline: (024) 3399 3333 – 0983 656 995.
- Email liên hệ: info@amore-architecture.vn